Học online kéo dài: Cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho con

Học online kéo dài: Cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho con

 

Sức khỏe tinh thần cho trẻ em đang bị ảnh hưởng rất nhiều và điều đặc biệt cần sự quan tâm trong bối cảnh học online đang kéo dài như hiện nay. Tiếc rằng điều đó đang bị chìm lấp đi giữa việc chạy đua trang bị kiến thức cho con.

Gia tăng cảm xúc tiêu cực, mất kết nối gia đình

TOMATO ghi nhận được nhiều chia sẻ từ phụ huynh có bé ở độ tuổi tiểu học như: “Lịch học online chính khoá dày, cả ngày con chỉ đối diện với máy tính, không trải nghiệm thực tế. Học xong con mệt nhừ, chỉ trả lời ba mẹ qua loa, có động viên con vận động như thế nào cũng không được”, “Có hôm con ỉu xìu ngồi vào bàn học nài nỉ: “Không học nữa được không ạ? Con chán quá". Rất nhiều phụ huynh lo lắng khi con bắt đầu xuất hiện các vấn đề bất ổn như: Thay đổi nền nếp sinh hoạt, ăn không ngon, khó ngủ, ngại giao tiếp, lười vận động... Nhiều em có những biểu hiện đáng lo hơn như có hành vi chống đối, học đối phó, không tập trung khi học trực tuyến. Lâu dần những biểu hiện lo lắng, căng thẳng ấy khiến trẻ có hành vi mất kiểm soát, nóng nảy, cáu kỉnh.

Sự căng thẳng tâm lý có thể đã bắt rễ trong các con từ những khó khăn trải qua khoảng thời gian dài trước đó như: gặp khó khăn khi thay đổi hình thức học tập, căng thẳng khi học qua máy tính lâu nhưng lại không được vận động và đi ra ngoài hoặc mâu thuẫn, va chạm đã xảy ra trong gia đình vì những xáo trộn do dịch bệnh gây ra.  

Ngoài giờ học chính khoá, ba mẹ cần lưu ý sức khỏe của con, tương tác xã hội, các hoạt động mang tính giải trí. “Giáo dục đứa trẻ đâu phải là đổ, rót cho đầy kiến thức mà thôi. Các con cần hoạt động khác, vui chơi, sự tương tác, nhiều khi mang lại tinh thần tốt hơn, mang lại điểm số tốt hơn khi con học thêm" - Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois (Mỹ) chia sẻ trên trang Tuổi trẻ.

Đặc biệt là với các em vào lớp 1, cuộc “di dân” lên thế giới online cũng gây ra không ít những xáo trộn về mặt tâm lý. Các con cũng có những bối rối, lo lắng, căng thẳng vì quá nhiều sự thay đổi cùng một lúc: Môi trường mới, thầy cô mới, những yêu cầu học tập mới… Để thích ứng với sự thay đổi ấy, trẻ cần được trang bị những công cụ và kỹ năng giúp con tự tin học tập.

Làm cách nào để trẻ cân bằng tâm lý?

Trong bối cảnh rất đặc biệt như hiện nay, ba mẹ học sinh trở thành "nhà sư phạm bất đắc dĩ" của con. Để học sinh học tập hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ từ giáo viên trường chính khóa, cần phải có sự song hành của phụ huynh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Một vài gợi ý sau sẽ giúp ba mẹ tìm giúp các con "vitamin vui vẻ" cân bằng cuộc sống và học tập hiệu quả:

  1. Thay đổi kỳ vọng để phù hợp với thực tế: Khả năng tiếp thu và sự biểu hiện học tập của con có thể bị thay đổi khi đột ngột chuyển qua môi trường học online. Vì vậy, khi mong đợi và kỳ vọng thành tích của con vẫn như ở môi trường học tập cũ sẽ là điều khó với trẻ. Ba mẹ có thể cùng con nói chuyện, thảo luận để xem xét kỳ vọng kết quả học tập của con ở mức nào là phù hợp ở hoàn cảnh hiện tại, tránh làm tăng nhiều áp lực cho trẻ.

  2. Dành thời gian trò chuyện, chia sẻ: Việc hỏi han, trò chuyện về việc học tập (môn nào con thích học hơn, khó khăn gì của con, về các bạn của con…), về những quan tâm, những khúc mắc mà các em đang gặp phải sẽ khiến con thoải mái, cảm giác được quan tâm.

  3. Lên kế hoạch về thời gian biểu khoa học, xen kẽ giữa học tập và hoạt động vận động thể chất, tham gia các sinh hoạt chung cùng ba mẹ trong gia đình. Điều đó không chỉ giúp con nghỉ ngơi sau giờ học mà còn tăng các kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giảm bớt áp lực tâm lý cho các con.

  4. Môi trường học tập: Tạo cho con học online có đủ yên tĩnh, giảm thiểu các yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến sự tập trung của con không (đồ chơi xung quanh, ồn ào,…). Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong giờ giải lao có thể giúp cải thiện sự tập trung của con.

  5. Giữ liên lạc giáo viên thường xuyên: Ba mẹ nên dành thời gian để hỏi ý kiến giáo viên về những khó khăn khi giúp trẻ học trực tuyến. Chủ động liên lạc với giáo viên sẽ giúp ba mẹ nhanh chóng nắm bắt tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời với trẻ.

Sự đồng hành của cha mẹ được xem là yếu tố quyết định hiệu quả của việc học trực tuyến. Bản thân phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động đồng hành cùng con trong việc tổ chức môi trường học tập tại nhà.

(Tổng hợp)