Dạy bé đề phòng "yêu râu xanh"

Tin về một bé gái 6 tuổi bị một thanh niên cùng xóm xâm hại tình dục khiến chị Dung giật mình. Bé Lan, con chị, 7 tuổi cũng hay lân la sang nhà láng giềng chơi. Bấy lâu chị nghĩ con bé còn nhỏ nên cũng chẳng để ý.

Những người như chị Dung không biết rằng, không phải chỉ có những trẻ em cơ nhỡ, trẻ sinh sống ở xóm lao động mới có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Ngay cả các em con nhà khá giả, trí thức cũng là đích ngắm của những "con yêu râu xanh".

Vì vậy, các bậc cha mẹ, hãy bảo vệ con mình bằng những cách đơn giản sau:

Tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi giữa cha và con trai, mẹ và con gái. Thường xuyên hỏi han, tâm sự cùng nhau, tạo cho con có thói quen kể hết mọi chuyện cho bố mẹ nghe.

Nắm rõ lịch sinh hoạt của bé như bé đi học mấy giờ về, đi chơi ở đâu, nhà ai, thời gian bao lâu? Tuyệt đối không nên giao khoán con cho người giúp việc. Chỉ cần người giúp việc lơ đễnh một phút, con bạn có thể gặp nguy hiểm.

Trang bị cho bé những kiến thức cơ bản phòng tránh bị xâm hại, phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức của bé, như:

  • Khi không có cha mẹ bên cạnh, không được để ai vuốt ve, sờ soạng, ôm hôn... dù đó là người lạ hay người bé quen thân, quý mến.

  • Căn dặn bé không cho bất kỳ người nào đụng vào chỗ kín. Có thể giải thích với bé rằng: "Người ta sẽ làm con đau, con phải đi bác sĩ, phải tiêm thuốc".

  • Sang nhà hàng xóm chỉ chơi ở ngoài phòng khách, không vào phòng riêng.

  • Không tự ý nhận kẹo bánh, tiền, quà vặt từ người khác. Khi được cho, phải hỏi ý kiến bố mẹ thì mới nhận.

  • Khi bị ai đe doạ đánh mắng, phải kể cho bố mẹ nghe. Giải thích cho bé hiểu rằng, bạn có thể giúp bé vượt qua mọi rắc rối, bé không phải lo sợ điều gì khi có bạn bên cạnh.

Luôn quan sát và chăm sóc bé. Khi nhận thấy bé có biểu hiện khác thường, hãy khéo léo dò hỏi, tránh làm bé hoảng sợ. Trong trường hợp nghi ngờ bé có dấu hiệu bị tổn thương, bạn cần đưa bé đi khám sức khoẻ và làm xét nghiệm ngay tức khắc.

Phải làm gì khi chẳng may trẻ bị xâm hại?

Đầu tiên, bạn phải báo ngay cơ quan công an gần nhất. Đưa bé đến bệnh viện, thực hiện những xét nghiệm cần thiết để tố cáo thủ phạm. Trấn an và vỗ về để trẻ không lo sợ. Sau đó, nên chữa trị những vết thương về thể chất và giúp trẻ hồi phục tinh thần bằng những cách sau:

  • Tuyệt đối tránh nhắc lại chuyện cũ. Nếu cần thiết, có thể chuyển nhà đi nơi khác để tránh gợi cho trẻ những ký ức không hay.

  • Luôn gần gũi, quan tâm, động viên và hướng trẻ đến với những hoạt động vui chơi lành mạnh. Sắp xếp để trẻ lúc nào cũng có người thân bên cạnh chăm sóc.

  • Giải thích cho trẻ hiểu rằng đó chỉ là tai nạn ngoài ý muốn và trẻ hoàn toàn không có lỗi. Đồng thời, hướng dẫn trẻ một số kỹ năng phòng vệ cần thiết.

Nếu trẻ có biểu hiện bất ổn kéo dài, hãy đưa trẻ đến gặp chuyên viên tư vấn.

 

(Nguồn: sưu tầm)