Con gái là trường học lớn của tôi

Con gái là trường học lớn của tôi

Nhà sáng lập Trường ngoại khoá TOMATO: ‘Con gái là trường học lớn nhất của tôi’

 

Gặp chị trong một buổi sáng cuối tuần, vận áo dài và tay cầm hai cuốn sách về giáo dục nhi đồng, với vẻ mặt rất phấn khích chị nói: “Mới đọc được câu này, rất hay trong tập sách của Raymond Beach: “Gầy dựng một đứa trẻ dễ hơn vá víu một người lớn”.

– Chị đã thấm thía điều ấy như thế nào trong hành trình xây dựng ngôi trường dạy cảm xúc cho trẻ em từ 0 – 6 tuổi?

– James Heckman, nhà kinh tế học được trao giải Nobel Kinh tế vào năm 2000, trong một nghiên cứu rất thú vị về hiệu quả của giáo dục, chỉ ra rằng: Nếu xem giáo dục là một khoản đầu tư, thì đầu tư càng sớm chừng nào “tỷ lệ sinh lời” càng cao chừng đó. Một đồng bỏ ra cho giáo dục vào những năm tháng đầu đời của một đứa trẻ sẽ “sinh lãi” cao gấp đôi gấp ba đầu tư cho một người lớn.

Hồi quyết định bắt tay làm trường, thật tình tôi nào đã biết có cái công trình đo lường bài bản đó mà chỉ cảm nhận từ chính trải nghiệm của mình. Lúc đó, tôi đang làm giám đốc một dự án giáo dục phi lợi nhuận dành cho người trẻ ở độ tuổi 20 – 30. Người ta thường nghĩ rằng người lớn ở độ tuổi đấy chỉ cần học thêm kỹ năng hay kiến thức bổ sung cho công việc, nhưng rốt cuộc, những nội dung được tâm đắc nhất trong chương trình của chúng tôi lại là: Tôi là ai? Tôi nên dùng đời mình vào việc gì? Tôi nên học như thế nào? Chính điều đó giúp tôi nhận ra đâu đó trong nền giáo dục của chúng ta có một khoảng trống, khiến học sinh đến tuổi trưởng thành rồi vẫn hoang mang với cuộc đời. Tôi quyết định chuyển sang nghiên cứu về các triết lý, mô hình giáo dục cho trẻ em, rồi hiện thực nó với Tomato Children’s Home. Gần đây nhất, tôi cùng bạn bè sáng lập The Caterpies – là một tổ chức phi lợi nhuận về nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với giáo dục trẻ trong giai đoạn đầu đời.

– Làm “mẹ” ở tuổi “tam thập nhi lập” của một ngôi trường dạy trẻ em và cũng từng bước làm mẹ để nuôi dạy đứa con đầu lòng của mình, chị có thể chia sẻ những sai lầm và cả “ngộ nhận” của mình (của các bà mẹ nói chung) với con thơ khi bắt đầu hành trình khám phá con, (sẽ rất khác với những gì chị học được trên cơ sở lý thuyết)?

– Đây là “bệnh” rất hay gặp ở những người lần đầu làm cha mẹ, mà tôi nghĩ có thể xuất phát từ việc quá mong đợi ở đứa con đầu lòng, hoặc quá lo lắng là mình sẽ không làm tốt vai trò cha mẹ nên thôi sách bảo thế nào thì cứ làm thế ấy. Là một người mẹ làm giáo dục, tôi cũng thường đem những gì mà mình nghiên cứu hay học hỏi được “xài” cho con, và thấy rõ ràng là những gì sách nói chẳng bao giờ đúng100% với thực tế. Vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, trong khi sách lại là bản đúc kết những gì phổ quát nhất. Nên người làm cha mẹ phải giữ được tâm thế cân bằng, để chọn lọc những gì phù hợp nhất với con mình thì phải chịu dành thời gian để hiểu con. Vì nếu không thì cũng giống như bác sĩ kê toa cho một bệnh nhân mà mình không rõ bệnh, dù thuốc có tốt đến mấy cũng chẳng ích gì, có khi còn là phản tác dụng.

– Tôi muốn biết rõ hơn về sự chọn lựa của chị cho những năm đầu đời của con với chính trải nghiệm của chị với con mình và những đứa trẻ được nuôi dạy ở Tomato?

– Nhiều người thường hỏi tôi: chị làm giáo dục trẻ em, thế hẳn nuôi dạy con kỹ và cầu toàn lắm? Nhưng tôi chỉ mong ở con mình và những em bé khác ở Tomato hai điều đơn giản: thứ nhất, tôi mong các con có một trái tim biết yêu thương. Vì triết gia Aristotle từng nói: “Giáo dục cái đầu mà không giáo dục trái tim tức là chẳng giáo dục gì cả”. Suy cho cùng, một con người cho dù học hành giỏi giang đến đâu mà không biết rung cảm, không biết yêu cái đẹp hay phẫn nộ trước cái ác thì sự giỏi giang đó để làm gì?

Và điều còn lại, là tôi muốn các con luôn giữ được óc tò mò và lòng yêu chuộng tri thức. Có được điều đó, thì không cần ta đi theo kè kè dạy dỗ, tự các con sẽ chủ động khám phá để biết điều mình muốn biết. Đó chính là tinh thần “tự thân khai sáng”! Tôi buồn khi thấy nhiều trẻ em bây giờ nghe đến học là ngán, nghe đến sách là chán. Biết sao được, khi chính cách giáo dục nhồi nhét và khuôn mẫu của người lớn chúng ta đã khiến các con “sợ học” như thế. Tôi hay nói với các giáo viên: “Tiêu chí đánh giá một buổi học thành công là ta thấy các con rời lớp với ánh mắt lấp lánh”. Ở nhà, tôi cũng luôn cố gắng giữ cho con mình ánh mắt lấp lánh đó.

– Tôi chọn “giáo dục gia đình”, còn chị thì sao?

– Tôi luôn trao đổi thẳng thắn với các phụ huynh rằng: đừng bao giờ cho là mình cứ cố kiếm thật nhiều tiền rồi “quăng” con vào một cái trường nào đó là sẽ có người làm thay hết cho mình chuyện dạy con.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ chỉ thuộc về duy nhất cha mẹ. Có một câu ngạn ngữ châu Phi rằng: “Cần cả làng để nuôi lớn một đứa trẻ”, ý nói cộng đồng cũng có trách nhiệm chia sẻ, trợ giúp người làm cha mẹ. Công bằng mà nói, không cha mẹ nào muốn bỏ bê con, nhưng những gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ chỉ xoay vần với cuộc đời của chính mình thôi cũng đã đủ kiệt sức. Khi đó, môi trường giáo dục của nhà trường, của xã hội sẽ cứu rỗi đứa trẻ. Giáo dục gia đình đã không xong, mà nhà trường, xã hội cũng tệ nốt, thì các con biết trông cậy vào đâu?

– Chị có thể cho một vài nhận định về vai trò của người cha trong gia đình mình trước quan niệm xưa: “Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ lót lá nằm rơm” không?

– Có một câu mà tôi học được từ bộ phim The Beginning of Life là: “Người mẹ là hình mẫu đầu tiên về loài người với đứa trẻ. Còn người cha là để trẻ thấy rằng, có một thế giới khác nữa bên ngoài thế giới của người mẹ”. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng người cha càng tham gia sâu sắc vào chuyện nuôi dạy con thì đứa trẻ có nhiều khả năng trở thành một con người hạnh phúc hơn. Nên tôi chưa bao giờ nghi ngờ về tầm quan trọng của người cha cả, dù tôi thấy nhiều bà mẹ rất giỏi, một mình thôi

mà làm thay được cả vai trò của người cha.

Người cha tham gia là để giúp chính đứa con của mình trưởng thành khoẻ mạnh, hạnh phúc chứ không phải là giúp vợ. Nhưng tất nhiên, các bà mẹ cũng nên cho các ông bố cơ hội để giúp con mình theo cách mà anh ấy muốn, chứ nếu bố làm gì cũng thấy “chướng mắt” không đúng ý mình và chê bai thì làm sao khuyến khích được. Tôi thường nói đùa rằng: “Lỡ các ông ấy vụng về đội nhầm tã lên đầu con thì vẫn cứ phải khen” là vì vậy!

– Chị nghĩ gì về hai chữ “thân giáo” và bản thân chị đã ảnh hưởng gì từ chính cha mẹ mình và chị nghĩ mình sẽ ảnh hưởng đến con cái mình thế nào?

– “Thân giáo” có sức mạnh vô cùng ghê gớm trong việc giáo dục con trẻ, vì trẻ học từ việc quan sát, bắt chước người lớn.

Hồi chưa có con, tôi khác bây giờ nhiều lắm. Nhiều bạn bè nhận xét từ khi dấn thân vào con đường giáo dục và nhất là từ khi làm mẹ, tôi điềm đạm và cẩn thận hơn. Con gái tôi chính là trường học lớn nhất của tôi, vì nhờ con mà tôi có động lực và ý chí “tu thân, sửa mình”. Tôi không hy vọng mình sẽ là một hình mẫu lý tưởng để con noi theo, vì bản thân tôi cũng còn nhiều khiếm khuyết. Tôi chỉ mong con sẽ nghĩ về tôi theo cách là: “À, mẹ mình tuy không hoàn hảo,

nhưng mẹ luôn cố gắng để tốt hơn mỗi ngày!”

– Ngôi trường mà chị đang nhân rộng, thật sự có cần phải theo một mô hình nào mà chị đã học được hay nó đang vận hành theo bản năng và ý thức của chính một người mẹ? Liệu kinh doanh giáo dục có làm lấn lướt đi những giá trị “vô vị lợi” của tình yêu thương hay không?

– Trong cuốn sách Nhà giả kim có một câu chuyện mà tôi cực kỳ thích. Chuyện kể về một chàng trai trẻ đến gặp một nhà thông thái để học bí quyết hạnh phúc. Nhà thông thái đưa cho anh ta một cái muỗng có hai giọt dầu, bảo anh hãy đi tham quan ngôi nhà của ông rồi trở lại và đừng làm đổ mất dầu. Chàng trai vô cùng phấn khích vì đã được nhìn ngắm những kỳ quan vô cùng tuyệt mỹ nhưng khi trở lại, hai giọt dầu đã đổ sạch từ lúc nào. Nhà thông thái bảo với anh: “Bí quyết hạnh phúc là ngắm nhìn mọi kỳ quan của thế giới này mà không bao giờ quên hai giọt dầu trên muỗng”.

Bài toán với những người làm giáo dục tư nhân như tôi cũng tương tự như thế. Nhiều khi, tôi thấy mình đêm thì mơ về những lý tưởng giáo dục đẹp đẽ mà ngày lại phải đối mặt với những như tiền đâu, người đâu… của một mô hình kinh doanh. Nghiêng quá về bên nào cũng không ổn, nếu quá thực dụng thì sẽ đánh mất chính mình, nhưng nếu không đủ thực tế thì không tạo ra đủ nguồn lực để đi đường dài và làm những điều mình ấp ủ. Giữ được trạng thái cân bằng giữa lý tưởng và thực tế, xác định những ranh giới mà tuyệt đối mình không được vi phạm, đó là điều tôi luôn tự nhắc mình.

Tôi luôn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ được làm giáo dục mà chẳng phải lo nghĩ gì về chuyện tiền bạc nữa. Bản năng đã thôi thúc tôi bước vào hành trình này, nhưng tôi không bao giờ cho phép mình làm giáo dục bằng bản năng. Tôi chấp nhận bỏ tiền mua chương trình, giáo trình uy tín của quốc tế để tham khảo và học hỏi. Một khi đã làm cái gì liên quan đế giáo dục và đến số đông, thì bạn phải làm nó một cách cẩn trọng, không theo bản năng được.

Ngân Hà thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung

Theo TGTT