Bước đầu trên vạn dặm chuẩn bị cho trẻ vào mẫu giáo và lớp 1

Hiện nay, nhiều cha mẹ phải đón nhận sự phản kháng dữ dội, còn các bé thì trải qua một cú shốc nặng nề và “nhạt nhòa nước mắt” khi bắt đầu vào Mẫu Giáo và lớp Một. Đa số các em thường khóc một tuần hoặc vài tuần đầu tiên khi đến lớp. Một số trường hợp đã khóc suốt cả một năm vì sự ám ảnh của cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi … Thêm vào đó là những biểu hiện mà Cha mẹ không hiểu nổi như đái dầm, chán ăn, khó ngủ, buồn bã và thụ động. Điều đó, như một vết cắt xoáy sâu vào tận tâm can của những đấng sinh thành, khi mong muốn dành điều tốt đẹp cho con, giờ đây vô tình đẩy con đi lùi lại với sự phát triển tự nhiên của một đứa trẻ non nớt chỉ vì một cú shốc tinh thần. Những điều này có thể tránh được, và các bậc phụ huynh có thể làm nhiều điều để tặng cho con những “viên gạch kiến thức” đầu đời thật tươi đẹp và tràn ngập tiếng cười đó chính là chuẩn bị tinh thần cho trẻ vào Mẫu Giáo và Lớp Một.

Đối với trẻ chuẩn bị vào Mẫu giáo, cha mẹ chỉ cần dành một ít thời gian, cùng bé chơi trò “Đi học” thôi, là đã đạt được hiệu quả nhất định trong tâm lý của bé rồi. Ở đây, bố hoặc mẹ sẽ là giáo viên, bé là học sinh, và “lớp học” trò chơi này cũng có tiếng chuông, có sách vở, có bài hát, có bút chì màu, có những trò chơi và tất nhiên là cũng sẽ giòn tan những tiếng cười vui vẻ nữa. Đối với bé sắp vào lớp một, cả nhà hãy cùng đi chọn trường và bé sẽ giúp cha mẹ lựa chọn. Trong suy nghĩ của bé, thì đây sẽ là một chuyến đi chơi và chọn lựa nơi làm bé thoải mái và thích thú. Điều này, sẽ giúp xóa đi cảm giác lạ lẫm khi bé nhập trường sau này, đồng thời cũng là dịp cho bé tập tư duy và đưa ra ý kiến của riêng mình về một vấn đề. Về phía bố mẹ, hình ảnh “tình yêu bé nhỏ” nô đùa ngô nghê lại giúp giảm bớt sư lo lắng trong lòng về việc gởi con cho nhà trường.

Hai tuần trước khi vào trường, phụ huynh nên tạo cho trẻ cảm giác mong chờ, háo hức bằng cách đưa bé đi mua sắm những vật dụng cho ngày đi học (cặp, vở, sách, bút thước, giầy dép…). Hãy để cho trẻ được tự lựa chọn những đồ dùng của mình, tạo nên một hiệu ứng thích thú như là một dịp lễ tết sắp diễn ra, từ đó, cảm giác ngóng trông và thích thú về việc đi học sẽ tự nảy sinh trong lòng bé.

Một điều cần lưu ý đó là, không nên cho con đi học thêm trước. Vì những lớp học này thường sẽ không đầy đủ cơ sở vật chất, thêm vào đó, các bé vào đây “chỉ có học và chỉ để học” nên sẽ nảy sinh một áp lực đè nặng lên vai khi còn quá sớm, từ đó làm trẻ mất đi hứng thú hay nghiên trọng hơn là sợ hãi việc học hành.

Các bậc sinh thành cũng nên chú ý trang bị cho con mình kỹ năng tự lập, bao gồm:

Tự chăm sóc: tự ăn khi đói, tự uống nước khi khát, tự mặc áo khoác lúc lạnh, tự mang giày khi ra ngoài, tự rửa tay 5 bước với xà phòng, tự đi vệ sinh…

Tự bảo vệ: biết nhận dạng người lạ; không nhận bất cứ thứ gì từ người lạ, không nói chuyện với người lạ, tuyệt đối không cho người khác động vào phần cơ thể phía trước từ cổ đến đùi, và phía sau thì quanh phần mông, và những nơi kín như nách, háng, cổ…; biết tránh xa những vật dụng và nơi nguy hiểm (điện, độ cao, tốc độ cao, nhiệt độ cao, vật nhọn, vật nặng trên cao, vật dễ rơi vỡ, vũng nước, bờ tường, …), không ra khỏi khuôn viên trường một mình, không nhận sự giúp đỡ của người lạ …

Kỹ năng giao tiếp: cách chào hỏi thầy cô, người lớn lễ phép; nhân nhượng, hợp tác, thân thiện với bạn bè; biết chia sẻ thức ăn, đồ chơi với mọi người; giúp đỡ người xung quanh;

Cha mẹ còn có thể giúp con vượt qua cảm giác bị bỏ rơi bằng cách, xin phép cô giáo ở lại lớp học cùng con trong vài ngày đầu, nhằm cùng con làm quen với lớp học mới, bạn bè và thầy cô mới nhanh chóng hơn. Hoặc các phụ huynh có thể lựa chọn cách để lại cho bé một tờ giấy, trên đó ghi rõ tên bố mẹ, số điện thoại, địa chỉ, và ngồi xuống, hôn lên mảnh giấy, rồi đưa tận tay cho bé và nói: “Trong đây có chứa nụ hôn bố mẹ dành cho con, khi nào con thấy nhớ bố mẹ, hãy xin phép cô giáo gọi số điện thoại này, bố mẹ sẽ chạy đến bên con ngay lập tức, con nhé !!!”. Mảnh giấy ấy, tuy nhỏ thôi, nhưng sẽ tạo cho bé một cảm giác bố mẹ luôn ở bên và con yên tâm học tập.

Sau khi kết thúc một ngày ở trường, hãy đón bé về nhà, và cùng bé thư giản bằng những câu chuyện trong ngày của mỗi người. Cùng khoe về ngày làm việc của mẹ, cùng khoe những bài học cô dạy, những lời khen, những điểm số, ngôi sao hay phần thưởng mà bé có được, những trò chơi, những món ăn,… trong một ngày học tập của bé. Trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi, thêm vào đó là lòng tự hào, thích thú và mong chờ đến ngày đi học tiếp theo để có thêm nhiều câu chuyện mới để khoe với bố mẹ.

 

Những việc làm trên đây không quá khó. Hy vọng mỗi bậc phụ huynh sẽ cùng với “mặt trời bé con” của mình trải qua những “ngày đâu tiên đi học” thật suôn sẻ và biến khoảng thời gian ấy thành một vệt “ký ức hồng” tươi đẹp trong những ngày ấu thơ của bé cũng như gia đình.