Dạy con: Cách sử dụng kỷ luật hợp lý khi con phạm lỗi

Yêu thương con cái luôn là điều dễ dàng, nhưng kỷ luật chưa bao giờ dễ dàng. Nếu chúng ta muốn các con biết đúng sai, tự chủ và có cách cư xử đúng đắn thì nhất định phải dạy con. Điều đó nghĩa là bên cạnh sự yêu thương, nâng niu, cần phải có kỷ luật để rèn các con vào nếp. Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào để có thể rèn được con, nhưng bé vẫn yêu thương ba mẹ và không cảm thấy bị ghét bỏ.

1. Hãy nhất quán:

Muốn kỷ luật con cái hiệu quả, bố mẹ cần phải nhất quán về những nguyên tắc ứng xử, mong muốn và những quy định. Nếu ngay cả bố mẹ hay người lớn trong nhà còn chưa thống nhất được cách dạy con thì con không biết hành động như thế nào là đúng. Hoặc ngay chính bản thân bố/mẹ cũng lúc vầy lúc khác thì cũng không được

 - Thiết lập nguyên tắc ứng xử và tuân theo: Chẳng hạn con bẻ gãy món đồ chơi thì phạt không đi siêu thị vào cuối tuần. Bố mẹ phải tuân theo điều đó cho dù có lúc chúng ta thấy tội nghiệp con.

 - Nhất quán ngay cả khi ở nơi công cộng: Nếu chúng ta chỉ cho con ăn kem tuần 1 lần, thì không nên phá vỡ điều đó chỉ vì con giận dữ và khóc lóc ở nơi công cộng.

 

- Thống nhất hình thức kỷ luật: Ba mẹ nên thống nhất hình thức kỷ luật trong những trường hợp cụ thể. Tránh trường hợp một người nghiêm chỉnh áp dụng, còn người kia thì không. Như vậy dễ làm hư con và ảnh hưởng đến tình cảm của bé với ba/mẹ, vì nghĩ ba/mẹ nghiêm khắc là không thương mình, cũng như làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng với nhau.

2. Tôn trọng con:

Hãy nhớ rằng con cái của chúng ta đang lớn lên và trong giai đoạn hình thành nhân cách. Do đó, chúng ta phải chấp nhận rằng bé không thể hoàn hảo như chúng ta mong muốn. Và cho dù, bé có làm chúng ta buồn và thất vọng đến mức nào thì con cũng cần tình thương và sự tôn trọng của ba mẹ dành cho mình.

 - Nếu bé có thái độ hay hành xử khiến chúng ta thực sự tức giận, thì cũng khoan nói gì. Hãy tìm nơi để bình tĩnh lại trước đã. Chẳng hạn, một ngày các mẹ thấy bé nhà mình lấy dầu ăn hòa vào bình nước rửa chén thì cũng khoan phạt bé ngay, hoặc nói những lời đáng tiếc. Hãy bình tĩnh lại trước đã!

 - Đừng gọi con với những biệt danh xấu, hoặc làm hạ thấp giá trị bản thân của con, hay làm con xấu hỗ. Thay vì nói “Con thật ngu ngốc”, thì chúng ta có thể nói với con “Đó không phải là hành động thông minh nhỉ?”

 - Ba mẹ cố tránh những tình huống hành xử không phù hợp. Hãy là một tấm gương tốt, hành xử theo cách mà chúng ta mong muốn con chúng ta làm. Ngược lại, với những hành xử không tốt của ba mẹ, chúng ta đã gửi đến con những thông điệp xấu.

3. Đồng cảm với con: Là đánh giá đúng các vấn đề, cách hành xử của con… để hiểu tại sao bé lại phản ứng như vậy.

 - Giải thích với con về những cảm xúc của bé. Chẳng hạn khi chơi với các bạn, các bé dành đồ chơi và con tức giận xông vào đánh bạn. Ba/ mẹ cần nhẹ nhàng phân tích cho bé biết hành động đánh bạn là không đúng, mặc dù ba /mẹ biết con rất giận.

 - Cố gắng tìm hiểu tại sao con có những hành xử không tốt. Nếu trong bữa tiệc, bé không ăn mà cứ dằm thức ăn làm rơi vãi đầy bàn thì có thể bé buồn vì không có bạn cùng trang lứa để nói chuyện.

4. Nói rõ mong muốn của bố mẹ:

Trẻ nhỏ thường khó phân biệt được đâu là hành vi xấu, đâu là hành vi tốt và hệ quả của những hành vi không đúng là như thế nào.

 - Nếu ba/mẹ muốn áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó khi bé làm sai, ba/mẹ hãy chắc chắn rằng đã giải thích và bé đã hiểu. Chẳng hạn, khi bé không dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, ba/mẹ phạt bé cuối tuần không được đi siêu thị, thì trước đó ba mẹ đã trao đổi và thống nhất với bé rồi. Nếu không bé sẽ phản ứng ngược lại và thấy “mình có làm gì sai đâu, sao tự nhiên lại phạt mình thế này…”

 - Hãy cùng con liệt kê ra những hành vi tốt và hành vi xấu. Với bé lớn, ba mẹ có thể cho bé tìm hiểu hệ quả của hành vi mà con làm. Chẳng hạn, con giúp mẹ việc nhà thì mẹ đỡ vất vả, mẹ vui, mẹ mạnh khỏe và sống lâu với con… Đồng thời, ba/mẹ cũng nói rõ với con mong muốn của ba mẹ về cách hành xử của con trong từng trường hợp cụ thể.

 - Ba mẹ cũng nên có những phần thưởng khi bé có biểu hiện tốt.

5. Không độc đoán:

Nói rõ mong muốn với con, cùng con đưa ra những giải pháp cho các vấn đề gặp phải nhưng vẫn luôn yêu thương và bày tỏ tình cảm với bé.

Chúng ta không nên trở thành những phụ huynh dễ dãi, để con làm tất cả những điều con muốn vì thương con, và mong rằng các con sẽ có kỷ luật khi lớn lên. Chúng ta cũng biết, trẻ con phải rèn từ nhỏ, khi tính cách con đã được hình thành thì cực kỳ khó thay đổi.

6. Xem xét độ tuổi và tính khí của con:

Ba mẹ cần lưu ý, thiết lập hệ thống kỷ luật cho bé cũng tùy từng độ tuổi. Khi con lớn dần  các hình thức kỹ luật cũng phải thay đổi để phù hợp hơn. Hoặc chúng ta không nên áp dụng một hình thức kỷ luật cho cả bé nhỏ và bé lớn.

 - Nếu bé bẩm sinh hay nói và thích giao tiếp xã hội, thích xã giao và nói chuyện với mọi người. Nếu bé hay nói leo và cắt ngang khi người lớn đang nói chuyện thì ba mẹ có thể phạt, nhưng cũng đừng khiến con trở thành người im lăng, ít nói… Đó không phải là tính cách thực của con.

 - Đối với các bé các bé 3-5 tuổi, bé có thể nhận thức được cái gì xấu cái gì tốt khi chúng ta hướng dẫn. Khi bé làm sai, ba mẹ có thể dạy con một hành động khác tích cực hơn. Chẳng hạn, bé giành xích đu với bạn và làm bạn kia khóc. Ba mẹ có thể nói với con: “Con đừng giành chơi một mình, như vậy khiến bạn buồn và khóc. Con có thể nói với bạn để con chơi một lúc rồi đến lượt bạn chơi. Có bạn cùng chơi như thế con sẽ thấy vui hơn”.

 

Chúng ta hãy trở thành những ông bố, bà mẹ nghiêm khắc nhưng chân thành và tràn đầy tình yêu thương nhé.