Gia tăng trẻ mắc hội chứng TIC (Rối loạn vận động) do xem tivi, điện thoại nhiều

Theo VTV7 KIDS, thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận nhiều trẻ đến khám và điều trị do mắc phải hội chứng Tic (rối loạn vận động). Qua khảo sát, hầu hết những trẻ mắc hội chứng này đều có thời gian xem tivi, sử dụng điện thoại quá nhiều. 

 

Theo chuyên gia y tế, hội chứng Tic là việc vận động hoặc phát âm xuất hiện một cách bất thường và lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi từ 11 - 12 tuổi. Việc cho trẻ sử dụng điện thoại, xem tivi diễn ra rất phổ biến. Vì đây được xem là công cụ đắc lực giúp cha mẹ nhàn hạ hơn khi trông giữ, cho con ăn, để con khỏi quấy khóc,... Tuy nhiên, thói quen này lại dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Các triệu chứng nhẹ bao gồm: Thở dài, lẩm bẩm, tặc lưỡi, hắng giọng, la hét, nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm... Các triệu chứng nặng như nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy… hoặc về âm thanh nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét.

Hội chứng Tic gây nguy hiểm gì cho trẻ?

Khi mắc hội chứng Tic trẻ vẫn có thể học tập bình thường, thông minh, lanh lợi. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp và khắc phục sớm, tình trạng rối loạn vận động diễn ra lâu ngày có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho trẻ như: tự kỷ, trầm cảm, lo ngại, rối loạn tăng động giảm chú ý, khó ngủ, mất kiểm soát ngôn ngữ, …

Cha mẹ cần làm gì để giúp con phòng ngừa hội chứng Tic?

Cha mẹ nên có cách quản lý việc trẻ sử dụng thiết bị thông minh để đề phòng ngừa rối loạn vận động: Trẻ em nên được giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, tốt nhất nên có người lớn xem cùng và tạo cho trẻ tương tác hai chiều khi xem.

- Cha mẹ nên làm gương cho con, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước mặt con. Thay vào đó hãy nói chuyện và chia sẻ cùng con nhiều hơn.

- Cùng con chơi các trò chơi mà con hứng thú như: lego, đọc sách, kể chuyện đóng vai, chơi đồ hàng, đá bóng,…

- Khuyến khích con cùng tham gia các hoạt động tăng cường khả năng vận động như: luyện tập thể dục hoặc làm việc nhà: thu xếp đồ chơi gọn gàng, cùng dọn phòng, lau dọn bàn ghế học tập,...

- Tạo điều kiện và khuyến khích con đi chơi với bạn bè hoặc mời bạn bè về nhà và tổ chức các cuộc chơi cho con.

 

Hy vọng rằng với sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ sẽ giúp trẻ phòng ngừa hội chứng Tic và khi đó các thiết bị điện tử sẽ trở thành công cụ phục vụ cho mục đích học tập, sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của con.