Làm sao để trẻ hứng thú học?

Để giúp trẻ hứng thú hơn khi học:

1. Không ép trẻ đột ngột trở lại việc học với cường độ cao

Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể – Trung tâm tư vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội) cho rằng, trẻ có một thời gian dài nghỉ học, được vui chơi và tự do thoải mái nên đã không còn thói quen học tập, ăn ngủ đúng giờ giấc nên khi quay trở lại học tập theo nền nếp quy củ là một việc rất khó. Có thể thời gian đầu cần trò chuyện, động viên để trẻ có tâm thế hào hứng đến lớp gặp gỡ bạn bè và cô giáo. Không nên cứng nhắc bắt ép trẻ mà cần nhẹ nhàng khuyên bảo, đưa ra các hình thức khuyến khích con để trẻ thấy việc đi học như là một cuộc vui chơi. Các thầy cô cũng cần cho trẻ thời gian thích ứng, không nên ép trẻ vào khuôn khổ, nội quy lớp học ngay, nếu quá nghiêm khắc trẻ sẽ sợ và không mong muốn đến lớp. Điều căn bản chính là sự kết hợp giữa chơi và học một cách hợp lý để trẻ tăng dần sự chú ý đến việc học tập, tạo ra môi trường thân thiện giữa cô và trò.

2. Cho trẻ tự chọn môn học ưa thích

Cùng con lập thời gian biểu hợp lý, thời gian học không nên kéo dài quá khiến trẻ chán học. Cha mẹ có thể kích thích trẻ bằng việc để trẻ tự chọn môn học ưa thích, cho con làm những bài tập dễ trước, sau đó mới đến những bài khó hơn. Nếu thấy bé không hào hứng lắm khi học, bạn có thể bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích… để lấy lại hứng thú cho bé.

3. Kết hợp học và chơi

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để giúp trẻ lấy hưng phấn, lý tưởng nhất là học theo một cách thức nhẹ nhàng, vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học. Với các em học sinh tiểu học cha mẹ không nên ép con học ở nhà quá nhiều vì hiện các em đã học 2 buổi/ngày ở lớp, nếu bắt học nữa thì “quá tải”.

Trẻ không được vui chơi sẽ sinh ra mất hứng với việc học, lười học. Nếu bố mẹ muốn cho con học có thể biến việc học thành trò chơi như trò chơi bán hàng sẽ dạy con học toán, các con số, phép cộng trừ rất nhanh qua việc mua hàng, bán hàng, trả tiền thừa… Hoặc tìm những cuốn truyện đọc cho trẻ nghe rồi cả nhà cùng tìm hiểu bằng những câu đố, gợi ý để trẻ hỏi lại.

Việc chơi mà học, học mà chơi đó sẽ khiến đời sống của trẻ thêm phong phú, cá tính của trẻ được bồi đắp mà ham muốn học hỏi cũng nhờ đó mà được tăng cường.

4. Dành nhiều thời gian cho trẻ

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian chơi với trẻ, giúp trẻ học tập một cách thoải mái vui vẻ. Tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, biểu thị sự tôn trọng trẻ. Tạo cho trẻ một ý thức và thói quen tự lập ngay từ nhỏ, biết cách sắp xếp thời gian học tập, vui chơi, biết giúp đỡ bố mẹ các công việc nhỏ trong gia đình… như thế trẻ sẽ tăng dần tính trách nhiệm với bản thân, với người khác.

5. Cùng con tạo một không gian học tập

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, nên cho bé tự chọn và trang trí góc học tập theo ý thích, cha mẹ chỉ cần hướng dẫn trẻ. Cùng con dọn dẹp lại góc học tập cho thật gọn gàng, sạch sẽ. Xếp sách vở mới của con sẵn sàng lên kệ. Có thể dán thêm một thời khóa biểu xinh xắn chẳng hạn. Bé sẽ hứng thú với việc học. Trong giờ học, tránh việc cắt ngang như người giám sát việc học bỏ đi làm việc khác, anh chị em của trẻ đến bàn học nói chuyện…

6. Nêu gương

Bản thân cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực vì rất nhiều hành vi trẻ học từ cha mẹ. Bố mẹ say mê nghiên cứu, làm việc nghiêm túc ít nhiều ảnh hưởng đến con. Chẳng hạn như mỗi buổi tối khi con học bài cha mẹ ngồi làm việc hay đọc sách một cách nghiêm túc trẻ sẽ thấy được điều đó và dần dần hình thành thói quen tự học mà không cần phải nhắc. Không nên nói chuyện quá to hay ngồi xem tivi trong lúc con học sẽ làm bé mất tập trung và cảm thấy đơn độc, ghen tỵ vì mình phải học trong khi mọi người ngồi chơi. Ngoài ra, cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện về lòng hiếu học của những nhà khoa học hiện đại hoặc cổ xưa để trẻ lấy đó là tấm gương học tập…

7. Kích thích mặt tích cực của trẻ

Cha mẹ không nên chỉ nhắm vào những điểm tiêu cực của trẻ mà tích cực phát hiện ra những ưu điểm, những tiến bộ. Dành cho trẻ sự khen ngợi kịp thời, thường xuyên khích lệ trẻ. Bố mẹ có thể khích lệ trẻ, bằng cách nói: “Bố mẹ biết khả năng của con không phải chỉ như vậy chỉ có điều nó chưa được phát huy thôi, con hãy cố gắng lên”…

8. Không đánh, mắng trẻ

Theo chuyên gia Mã Ngọc Thể, nhiều cha mẹ khi thấy con lười học liền đánh mắng, dọa dẫm, xử phạt thân thể với trẻ. Điều này là sai lầm vì dễ dẫn đến việc các cháu không muốn đi học, vừa sợ bố mẹ vừa sợ đến lớp. Khi bị bố mẹ đánh trẻ sẽ rơi vào nguy cơ căng thẳng, vô tình tạo ra sự chống đối ở trẻ.

Việc đánh con là biểu hiện của sự bất lực không lắng nghe và quan sát tâm lý của trẻ. Hậu quả sẽ dẫn đến tổn thương lâu dài về mặt tâm lý cho trẻ. Trẻ dễ có hành vi gây hấn với trẻ khác khi không vừa ý hoặc bắt chước cha mẹ các hành vi hung tính…

Có rất nhiều cách để giúp trẻ hứng thú khi học, nhưng quan trọng nhất là sự quan tâm của gia đình, cha mẹ. Bắt ép hay nhồi nhét trẻ học quá nhiều càng khiến trẻ trở nên sợ hãi việc học và mang lại kết quả học tập không như mong muốn. Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng nổi trội riêng biệt, vì vậy, cha mẹ cần biết cách để cho trẻ có thể phát triển khả năng đó, chứ đừng bắt trẻ học theo mong muốn của ông bà hay cha mẹ.

 

(Nguồn: sưu tầm)