Những suy nghĩ sai lầm về chuyện học của trẻ

Phụ huynh luôn muốn làm mọi điều để đem lại điều tốt nhất cho con mình, nhưng trớ trêu là nhiều lúc những quyết định của chúng ta lại gây hại cho trẻ. Trong chuyện học hành cũng thế, ai chẳng muốn con mình học thiệt giỏi, nhưng nếu không đặt mình vào cảm giác của trẻ thì có khi ta sẽ tạo ra những căng thẳng không cần thiết cho trẻ hồi nào không hay.

  • Luôn thúc đẩy trẻ phải học hành nghiêm chỉnh

Bạn nghĩ: Thúc đẩy trẻ học hành qui củ chính là bảo đảm cho chúng một chỗ ở những ngôi trường danh tiếng sau này. Như thế thì trẻ mới được chuẩn bị đầy đủ hành trang trước khi vào đời.

Thực ra: Bạn đang tạo áp lực rất căng thẳng cho trẻ đấy. Điều này chẳng những khiến trẻ phải chịu khổ sở lúc này mà còn phần nào kiềm hãm tương lai của chúng nữa.

Chắc chắn có một số trẻ rất giỏi chuyện học hành qui củ và sẽ thuộc về những trường đại học có môi trường cạnh tranh cao nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là một nhóm nhỏ mà thôi. Với đa số, trong đó có nhiều trẻ sáng dạ, áp lực căng thẳng của việc phải lên lớp, phải từng bước tiến bộ, yêu cầu phải vào được những ngôi trường “phải đậu” chính là một gánh nặng. Trẻ buộc phải tham gia nhiều lớp học thêm nhiều giờ mỗi ngày. Chúng thường ngủ không đủ giấc, dựa vào những liều kích thích được gọi là “hỗ trợ học tập”. Đó là một lối sống có thể tàn phá sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Hơn nữa, việc quá tập trung học hành qui củ khiến trẻ xa rời những kĩ năng quan trọng khác vốn rất quan trọng cho sự thành công trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: khả năng tự tạo động lực, cộng tác, giải quyết vấn đề, và kiên trì khi đương đầu với khó khăn. Rất nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh tài năng nói rằng nhiều người trẻ còn thiếu những kĩ năng đó.

  • Đề ra mục tiêu cao giúp trẻ luôn phấn đấu

Bạn nghĩ: Đề ra những mục tiêu cao tức là đang dạy trẻ phải luôn cố gắng tự cải thiện hơn nữa. Tại sao con mình lại chấp nhận điểm 8 trong khi con bé hoàn toàn có thể đạt được 9-10 điểm.

Thực ra: Bạn đang đưa ra đòi hỏi vô lí để con mình đạt được hoàn hảo về mọi thứ. Bên cạnh vấn đề di truyền, cầu toàn là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho chứng trầm cảm lâm sàng.

Nếu bạn là tuýp phụ huynh hay vò đầu bóp trán mỗi khi con mình có bảng điểm không như ý hoặc không vào được ngôi trường “thích hợp”, thì lúc ấy bạn đang dạy trẻ rằng những gì thiếu hoàn hảo thì không đáng làm – và khi một đứa trẻ tin vào điều đó, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng gặp thất bại (vốn là điều không thể tránh khỏi)?

Cuộc đời vốn dĩ đầy những sai sót, cùng những tháng ngày không hoàn hảo, và con người cứ luôn phạm phải những lỗi lầm. Khi bắt trẻ theo một hướng và ngăn trẻ học hỏi những hướng nhìn khác, lúc đó ta đang gầy dựng một tương lai bất hạnh cho chúng.

Khi lớn lên, trẻ luôn có nhiều điều cần phải làm: học cách cảm thấy thoải mái với chính mình và với chính cơ thể mình, học cách đương đầu với nỗi thất vọng, nhận biết những thế mạnh và điểm yếu, những đam mê và sở thích của mình, phát triển sự đồng cảm và biến chuyển không còn tính ích kỉ như lúc nhỏ nữa mà sẽ trở thành người có trách nhiệm hơn. Quá nhiều thứ dành cho trẻ đến nỗi có thể có nhiều lúc chúng cảm thấy quá tuyệt vọng, không an lòng và quá bận rộn vì chuyện học hành. Đó là chuyện thường tình và lành mạnh. Tập trung quá nhiều vào việc học có thể làm trẻ không còn thời gian vun xới toàn bộ những gì còn lại trong quá trình trưởng thành ở trẻ.

Hãy lùi lại một chút đi các bậc phụ huynh. Đừng gây ra tai hoạ cho bọn trẻ vì điểm số đâu phải là chuyện nghiêm trọng chi đâu. Hãy bắt đầu chuyện dạy con theo kế hoạch 20 năm. Không nên nhìn vào những gì trẻ đạt được lúc nhận được điểm số bài kiểm tra, mà hãy nhìn vào đường đi của bọn trẻ khi chúng dấn bước tiến vào cuộc đời trưởng thành. Khi đó, cả bạn và con bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

 

(Nguồn: sưu tầm)