Người sáng lập Tomato: Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu

Người sáng lập Tomato: Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu

Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Nguyễn Thúy Uyên Phương đã là gương mặt gây chú ý trong giới trẻ bởi những sáng tác văn học sâu sắc và nhiều hoạt động gây tiếng vang trong phong trào sinh viên.

Là người nhiều ý tưởng và luôn làm việc hết mình, Uyên Phương khiến nhiều người mới gặp phải ngạc nhiên về khối lượng công việc mà chị đảm trách. Tuy nhiên sau ấn tượng ban đầu đó, điều người ta đọng lại về chị là sự nữ tính, khiêm nhường và giàu cảm xúc trước từng chi tiết của cuộc sống.

Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường của Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thúy Uyên Phương đã là gương mặt gây chú ý trong giới trẻ bởi những sáng tác văn học sâu sắc và nhiều hoạt động gây tiếng vang trong phong trào sinh viên.

Không lâu sau đó, năng lực cùng tâm huyết với cộng đồng của chị đã được khẳng định qua những dự án giáo dục phi lợi nhuận như Chương trình “Hạt giống lãnh đạo” IPL, Dự án Sách Hay, Dự án OneBook… mà chị là người trực tiếp điều hành.

Rồi rời vị trí Phó Giám đốc Trường Doanh nhân Pace, Uyên Phương lên đường sang Mỹ tham gia Chương trình trao đổi chuyên gia Việt Nam-Hoa Kỳ. Khi trở về, chị lại tiếp tục tham gia sáng lập nên Trường Ngoại khóa Tomato – một mô hình trường ngoại khóa chuyên sâu dành cho trẻ em hoàn toàn mới ở Việt Nam.

 

* Đang thành công trong vai trò giám đốc của những dự án dành cho giới trí thức trẻ, cơ duyên nào khiến chị chuyển sang nghiên cứu tâm lý trẻ em và mở ngôi trường với chương trình học chưa từng có ở Việt Nam?

- Đối với tôi, việc chuyển từ các dự án dành cho người trẻ trưởng thành sang các chương trình dành cho trẻ em không phải là sự thay đổi, mà là sự tiếp nối trong con đường làm giáo dục của mình.

Tôi đam mê con đường này vì người làm giáo dục có nhiều công cụ để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm các dự án cho giới trẻ, tôi nhận ra những giải pháp giáo dục tiến bộ nếu được áp dụng càng sớm cho độ tuổi càng nhỏ thì hiệu quả sẽ càng lớn.

Bên cạnh đó, trong thời gian làm các dự án Sách Hay, dự án IPL với vai trò “người giúp việc” cho những trí thức của Việt Nam như nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung… tôi nhận ra rằng Việt Nam không thiếu những nhà tư tưởng lớn. Chúng ta chỉ thiếu người có khả năng triển khai các tư tưởng đó thành sản phẩm cụ thể.

Đây chính là nhiệm vụ và cũng là lợi thế của những người trẻ như tôi. Vì vậy khi được nhận học bổng của Bộ Ngoại giao Mỹ để tham gia chương trình trao đổi chuyên gia Việt Nam-Hoa Kỳ, tôi đã chọn đề tài là Tiếp sức cho trẻ em và phụ nữ thông qua giáo dục để tiếp cận với các mô hình giáo dục tiến bộ dành cho nhóm đối tượng này.

Trong quá trình nghiên cứu, tôi được các chuyên gia ở đây giới thiệu cho nhiều mô hình hay, mang tính ứng dụng cao, chi tiết và dễ dàng nhân rộng. Bình thường để đem những chương trình này về Việt Nam thì phải trả phí bản quyền rất cao.

May sao, sau khi nghe tôi trình bày về những lợi ích to lớn mà chúng có thể mang lại cho Việt Nam, những giáo sư hướng dẫn đã nhận lời hỗ trợ để tôi có thể tiếp nhận những chương trình này với một mức phí chấp nhận được. Nhưng trên hết, tôi luôn biết ơn và trân trọng những năm tháng được làm việc với những “bộ óc” lớn của Việt Nam như đã kể ở trên.

Chính nhờ được truyền lửa, được học hỏi từ họ mà tôi có đủ sức lực và kiên nhẫn để bước đi trên con đường này. Bởi làm giáo dục nghiêm túc, có chiều sâu là chuyện không dễ.

* Lâu nay phụ huynh Việt Nam vẫn thích cho con học thêm, học ngoại ngữ, học đàn… sau giờ học trên trường. Việc chị mở một ngôi trường có tên gọi là Trường Ngoại khóa chuyên sâu với lịch học đều đặn hai đến ba buổi một tuần, như vậy liệu có mạo hiểm?

- Môi trường xã hội Việt Nam ngày càng phức tạp hơn, phụ huynh đang dần nhận ra rằng việc trang bị cho con cái khả năng tự giải quyết vấn đề, tự làm chủ cuộc đời mình cũng quan trọng chẳng kém gì việc trang bị kiến thức.

Dễ dàng nhận ra trẻ em bây giờ có quá ít thời gian để khám phá bản thân mình cũng như thế giới xung quanh. Không ít em lớn lên trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”: Kết quả học tập ở trường chưa chắc phản ánh năng lực thực sự của các em, rồi học giỏi ở trường cũng chưa chắc là ra đời cũng giỏi, hay có IQ cao nhưng chưa chắc có tâm hồn, tính cách đẹp.

Trước thực tế đó, chúng tôi quyết định thành lập Trường Ngoại khóa Tomato với mong muốn góp phần lấp đầy những khoảng trống mà giáo dục của gia đình và nhà trường chính khóa hiện nay chưa chạm tới được.

Tất nhiên là làm cái gì mới thì sẽ mạo hiểm, nhưng không mạo hiểm thì không làm được. Rất may là những phản hồi từ phụ huynh, từ xã hội mà chúng tôi nhận được đến thời điểm này là khá tích cực.

* Trẻ em Mỹ có môi trường sống, môi trường văn hóa và giáo dục rất khác với trẻ em Việt Nam. Vậy khi đưa các chương trình giáo dục trên vào thực tế, chắc chị phải thay đổi ít nhiều?

- Tôi cũng vài lần được trực tiếp đứng lớp cho trẻ em nước ngoài. Đôi khi tôi có cảm giác dạy cho các em đó… dễ hơn là dạy cho trẻ em Việt Nam. Chúng ta đang trong thời kỳ “sắp xếp lại” nên môi trường xã hội phức tạp hơn, các giá trị đạo đức nền tảng cũng lẫn lộn.

Trẻ em Việt phải chịu quá nhiều tác động không nên có so với bạn bè cùng trang lứa ở các quốc gia khác. Vì vậy, khi mang chương trình về Việt Nam, phần khiến chúng tôi tốn thêm nhiều tâm sức nhất chính là làm thế nào để cải thiện môi trường xung quanh các em.

Phải đầu tư khá nhiều cho các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của xã hội, khuyến khích phụ huynh đồng hành cùng con cái nhiều hơn trong việc học. Các bản tin Học cùng con của trường phải làm chi tiết hơn nhiều so với giáo trình gốc.

Chẳng hạn ở nước ngoài, người ta chỉ tóm tắt tình hình học tập cho phụ huynh một hay vài tuần một lần thì chúng tôi phải làm từng buổi, rồi không chỉ tóm tắt mà còn phải gợi ý cho phụ huynh cách ứng xử, dạy dỗ con khi ở nhà. Bên cạnh đó, việc biên soạn và phổ biến miễn phí các tài liệu giáo dục trẻ em hữu ích để nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng được trường rất chú trọng.

* Xem ra việc nuôi dạy con cái của phụ huynh Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn phụ huynh ở các nước phát triển?

- Cuộc sống còn nhiều vất vả khiến phụ huynh Việt Nam dù muốn cũng không có nhiều lựa chọn trong vấn đề chăm sóc, dành thời gian cho con. Trong khi cái mà người ta gọi là “thị trường giáo dục trẻ em” bây giờ trông có vẻ rất sôi động nhưng những sản phẩm thực sự chất lượng để hỗ trợ phụ huynh lại quá ít ỏi, từ sách vở, công cụ cho đến những địa chỉ tư vấn.

Chẳng hạn Trường Tomato từng tiếp nhận một số trẻ bị cho là “chậm phát triển về trí óc”, nhưng khi quan sát thì thấy thực ra các em chỉ bị mắc chứng khó đọc mà thôi. Ở các nước tiên tiến, những sản phẩm giáo dục giúp phụ huynh nhận biết và giải quyết những vấn đề như vậy rất phong phú, chi tiết. Còn ở Việt Nam, phụ huynh thường hoang mang không biết con mình bị làm sao, hoặc biết thì cũng không tìm được nơi nào phù hợp để nhờ hỗ trợ.

* Khi những trẻ em đặc biệt được đưa đến xin học, Trường Tomato làm thế nào?

- Các chương trình mà Tomato đang triển khai hiện nay mới chủ yếu dành cho những trẻ phát triển bình thường, và có tác dụng “ngăn ngừa” hơn là “chữa trị”. Thành ra với những trường hợp đặc biệt vượt quá khả năng giải quyết của mình thì chúng tôi buộc phải từ chối.

Tuy nhiên, khi phụ huynh đưa các em đến, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giúp phụ huynh xác định vấn đề của trẻ, hỗ trợ phụ huynh trong khả năng của mình và tư vấn cho phụ huynh nơi thích hợp hơn dành cho các em nếu có.

Từ khi lập trường, tôi cảm nhận rõ hơn câu nói “trẻ em là tấm gương phản ánh chính xác bức tranh xã hội”. Chúng tôi chiêm nghiệm được rất nhiều điều về các vấn đề của xã hội hiện đại qua câu chuyện của từng em.

Những trường hợp trẻ ái kỷ (quá yêu bản thân mình do được chiều chuộng quá mức), trẻ có cha mẹ ly hôn, trẻ chán học…ngày càng nhiều lên. Chúng tôi dự tính sẽ triển khai một số dự án phi lợi nhuận để góp phần giải quyết những vấn đề này.

* Ngoài trẻ em, chương trình chị tham gia cũng bao gồm việc nghiên cứu về phụ nữ hiện đại. Theo chị, điểm giống và khác giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ ở các nước phát triển là gì?

- Tôi thấy phụ nữ ở nước nào cũng gặp phải những khó khăn tương tự như nhau, dù có khác về cách biểu hiện và mức độ. Tôi tâm đắc nhất với câu chuyện “trần nhà kính”.

Tức là trong xã hội hiện đại ngày nay, ngay cả ở những nước phát triển, đôi khi ta tưởng như các định kiến cũ kỹ về người phụ nữ đã bị xóa bỏ. Người phụ nữ khi nhìn lên cũng thấy bầu trời cao rộng chờ đón mình giống như nam giới vậy. Thế nhưng khi vươn đến bầu trời đó thì cô ấy sẽ đụng phải rào cản là một trần nhà bằng kính trong suốt.

Câu chuyện này ý nói các định kiến đó không hẳn đã mất đi mà vẫn tồn tại đâu đó, chỉ là tinh vi hơn, ít hữu hình hơn. Tuy nhiên, phụ nữ các nước phát triển thường có sự tự tin vào giá trị bản thân và tự tin vào các quyết định của mình để vượt qua “lớp kính” đó. Còn phụ nữ Việt Nam trong thâm tâm thường bị dằn vặt nhiều hơn khi phải đưa ra các lựa chọn.

* Vậy trường hợp của chị thì sao? Chị có nhận được sự ủng hộ của gia đình khi từ bỏ vị trí và mức lương đáng mơ ước ở công việc cũ để lao vào thử thách mới?

- Tôi luôn phải thuyết phục gia đình để được đi theo các lựa chọn của mình. Tốt nghiệp đại học, gia đình muốn tôi về quê hương nhận một công việc nhẹ nhàng. Tôi phải thuyết phục để ba mẹ đồng ý cho tôi ở lại Sài Gòn theo đuổi những đam mê của mình.

Thấy tôi đi sớm về khuya, lăn lộn với các dự án, ba mẹ tôi rất lo lắng. Tôi phải nói rằng: “Điều cuối cùng mà ba mẹ muốn là con được hạnh phúc đúng không? Con đang hạnh phúc, ba mẹ không thấy sao?”.

Dần dần thì ba mẹ tôi cũng ủng hộ vì thấy quả là tôi hạnh phúc với việc mình làm thật. Khi thành lập Tomato, tôi cũng phải thuyết phục gia đình nhỏ của mình rằng việc tôi sắp làm không chỉ có ích cho xã hội, mà còn có ích cho chính bản thân tôi với vai trò người mẹ.

Tóm lại “trần nhà bằng kính” có tồn tại với tôi, nhưng cách tôi chọn là kiên nhẫn để gỡ bỏ tấm kính đó đi chứ không đập vỡ kính. Có lẽ vì tôi mạng Thủy nên ưa thích sự mềm mỏng (cười). Hơn nữa, tôi nghĩ một người làm giáo dục làm sao có thể thuyết phục được xã hội nếu như không thuyết phục được gia đình mình trước!

* Chị vừa nói rằng phụ nữ Việt Nam thường phải dằn vặt khi đưa ra quyết định của mình?

- Phụ nữ trẻ Việt Nam hiện nay có nhiều ước muốn riêng nhưng cũng phải đắn đo nhiều để quyết định chọn cái mình cần hay là cái mình muốn. Tất nhiên lý tưởng nhất là có được cả hai, nhưng nếu không thì tôi cho là họ chọn lựa điều gì cũng tốt.

Với tôi, người phụ nữ thực sự mạnh mẽ là người dám đi đến tận cùng với lựa chọn của mình. Một người bạn của tôi từng tâm sự: “Mình sợ nhất là những người phụ nữ cứ than phiền hoài về sự hy sinh của mình. Kiểu như là: Vì bố con anh mà tôi phải hy sinh thế đấy. Thử nghĩ họ và những người xung quanh họ có hạnh phúc nổi với sự hy sinh đó không?”.

Quả thật, lựa chọn hy sinh vì một điều gì đó đã khó, nhưng đi được đến tận cùng để quên hẳn những gì mình đã hy sinh lại càng khó hơn.

* Ngoài những kiến thức thu nhận từ quá trình làm việc, nghiên cứu, cái nhìn về trẻ em của chị có chịu ảnh hưởng bởi một ai khác không?

- Tôi ngưỡng mộ nhà giáo dục trẻ em người Ý Maria Montessori sống ở thế kỷ XX và hiện tôi đang dịch một cuốn sách của bà. Góc nhìn về trẻ em của Maria Montessori là bước tiến mới về giáo dục lúc đương thời.

Theo bà, người lớn thường nghĩ rằng mình biết hết mọi điều về con trẻ và cho mình quyền áp đặt các em; nhưng thực ra đó là một thế giới có nhiều điều “bí mật” mà chúng ta chưa biết. Vì vậy người làm giáo dục trẻ em cần có thái độ tôn trọng trẻ thơ và hết sức cẩn trọng trong công việc của mình.

Tôi cho rằng đây là quan điểm rất nhân văn. Tôi cũng được truyền cảm hứng nhiều từ bà khi biết rằng trước khi chuyển sang nghiên cứu về giáo dục, bà Maria Montessori từng là một bác sĩ y khoa danh tiếng.

Nhưng bà đã dám từ bỏ công việc danh giá này để mở lớp học đầu tiên cho trẻ em tại một chung cư nghèo của nước Ý. Những tư tưởng của bà có ảnh hưởng sâu sắc với những người quan tâm đến giáo dục trẻ em trên khắp thế giới ngày nay và tôi cũng là một trong số đó.

* Là người giàu cảm xúc với sở thích viết lách, cắm hoa, chơi đàn, chị cảm thấy thế nào khi mỗi ngày mở tin tức ra đọc lại thấy nhiều chuyện tiêu cực ở đô thị đến nông thôn, từ nhà trường đến xã hội? Có bao giờ chị cảm thấy nản lòng vì những gì mình làm quá nhỏ bé so với các vấn đề đang diễn ra?

- Như đã nói, tôi may mắn được tiếp xúc nhiều với những con người giàu tâm huyết của Việt Nam lẫn thế giới. Ở họ tôi học được tư duy tích cực, biết nhìn vấn đề một cách đa chiều để tự chắt lọc cho mình cái nhìn bao dung hơn với cuộc sống.

Những việc tôi làm có thể rất nhỏ so với các vấn đề đang tồn tại nhưng vẫn hơn là không làm gì. Giống như nhà lãnh tụ tinh thần của Ấn Độ Gandhi từng nói: “You must be the change you wish to see in the world” (Nếu bạn muốn thế giới thay đổi như thế nào, chính bạn phải là người tạo ra sự thay đổi đó). Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu, trong khi thay đổi bản thân mình và những gì trong tầm tay mình lại có thể làm được rất nhanh.

Tôi thường tự động viên mình bằng ví dụ này: Ở nhiệt độ 99 độ C, nước vẫn là nước nóng. Nhưng ở 100 độ C, nước sẽ sôi và tạo ra hơi nước. Hơi nước này có thể là nguồn năng lượng vận hành cả một đầu máy. Chỉ một độ chênh lệch đó thôi mà tạo ra mọi sự khác biệt. Cũng như thế, nhiều khi mình chỉ cần cố gắng thêm một chút là tạo ra được những thay đổi mà chính mình cũng không ngờ tới.

Tuy nhiên theo tôi, một câu hỏi cần đặt ra là làm sao để giáo dục trẻ tư duy tích cực trong một bối cảnh tiêu cực. Làm sao để trẻ có khả năng đối mặt với những mặt trái của xã hội mà không bị hoang mang, không mất niềm tin vào cuộc sống.

Tôi nghĩ điều mà giáo dục cần làm không phải là cố gắng “tô hồng” mọi việc hay chỉ dạy cho trẻ những điều lý tưởng, vì như thế đến khi tiếp xúc với thực tế khắc nghiệt các em lại đâm ra nghi ngờ và không tin vào những điều tốt đẹp nữa.

Trong sách giáo dục công dân của Pháp có câu chuyện về một người đàn ông bị bệnh phổi tình cờ thấy một người bị ngã xuống hồ. Trước khi nhảy xuống cứu, ông khá đắn đo vì chắc chắn là bệnh của ông sẽ tái phát khi xuống nước. Nhưng rồi ông vẫn quyết định cứu người dù sau đó phải nằm viện khá lâu.

Bài học đúc kết ra cho trẻ là: “Đôi khi để làm một việc tốt vì người khác, chúng ta phải hy sinh lợi ích của mình. Được nhận lãnh trách nhiệm là một vinh dự, nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng. Dù chẳng dễ dàng gì, nhưng đó là điều mà một con người đúng nghĩa nên làm”. Tôi thấy trẻ em Việt Nam ít khi được giáo dục đầy đủ về hai mặt được – mất của mỗi vấn đề như thế.

* Trở lại với công việc giáo dục, ra mắt từ tháng Sáu năm ngoái, đến nay các lớp học của Tomato đã luôn kín chỗ. Trước thành công bước đầu đó, chị có ý định nhân rộng mô hình này trong tương lai gần không?

- Hiện tại Tomato đã nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác nhượng quyền hoặc mở chi nhánh ở một số thành phố lớn cũng như ở khu vực khác tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng tôi chưa vội vàng mở rộng mà tập trung đảm bảo chất lượng của cơ sở đầu tiên trước đã. Với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, để đào tạo ra nguồn giáo viên tâm huyết và có trách nhiệm tốn rất nhiều công sức và thời gian.

Xây dựng Tomato, tôi và những người bạn đặt uy tín lên trước lợi nhuận. Chúng tôi muốn đi chậm mà chắc, vì hiểu rằng trong giáo dục, còn niềm tin mà xã hội trao cho là còn tất cả. Ngược lại, mất niềm tin là mất tất cả.